Ngũ Phúc 70 năm chi bộ Đảng đầu tiên ( 16/4/1947 – 16/4/2017)
Ngũ Phúc là một xã có bề dầy lịch sử, văn hóa và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Truyền thống ấy luôn được thế hệ người dân Ngũ Phúc vun đắp và phát huy, viết tiếp những trang sử vẻ vang cho quê hương. Quá trình phát triển không ngừng đã xác lập nên bản sắc văn hóa của người Nghi Dương, Xuân Dương và Mai Dương. Đền Mõ là một công trình kiến trúc đặc biệt, một thắng cảnh đẹp giữa vùng non nước đồng bằng, là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, gắn liền với các sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Ngũ Phúc là một xã có bề dầy lịch sử, văn hóa và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Truyền thống ấy luôn được thế hệ người dân Ngũ Phúc vun đắp và phát huy, viết tiếp những trang sử vẻ vang cho quê hương. Quá trình phát triển không ngừng đã xác lập nên bản sắc văn hóa của người Nghi Dương, Xuân Dương và Mai Dương. Đền Mõ là một công trình kiến trúc đặc biệt, một thắng cảnh đẹp giữa vùng non nước đồng bằng, là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, gắn liền với các sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Trong bối cảnh chiến tranh, trước sự lớn mạnh của phong trào quần chúng cách mạng, Huyện ủy chủ trương đẩy mạnh công tác phát triển Đảng ở các xã trong toàn huyện. Ngày 22/12/1946 tại nhà ông Nguyễn Danh Trì ( ông Hội Thục ) ở thôn Nghi Dương, Huyện ủy cử cán bộ về tổ chức kết nạp cho 4 đảng viên đầu tiên của xã Ngũ Phúc. Đó là các đồng chí Đào Văn Cung( Tú đôi), Nguyễn Danh Nghiêm ( Xuân Dương), Nguyễn Danh Thả ( Nghi Dương) và Nguyễn Danh Oanh ( tức Khánh). Bốn đồng chí đảng viên mới được ghép sinh hoạt với 4 đảng viên của xã Thuận Thiên trong một chi bộ. Chi bộ Thuận Thiên - Ngũ Phúc đã họp đề ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kháng chiến của tiểu khu Toàn Thắng ( gồm các xã Thuận Thiên, Hữu Bằng, Du Lễ, Ngũ Phúc, Kiến Quốc ngày nay). Nhiệm vụ cụ thể là: Xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí cho lực lượng tự vệ sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, tuyển chọn quân bổ sung cho mặt trận Đồ Sơn, ngăn ngừa tàn dư của tổ chức Quốc dân Đảng phản động, tăng cường công tác bình dân học vụ, xoá mù chữ, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cứu đói, chia công điền, công thổ cho nông dân, tá điền không có ruộng.
Tháng 10/1946, Đảng bộ huyện Kiến Thụy được thành lập, Huyện ủy chỉ đạo kiện toàn tổ chức cơ sở đảng ở các địa phương, chi bộ Đảng Cộng sản các xã lần lượt ra đời, tạo thành cả hệ thống cơ sở Đảng rộng khắp toàn huyện.
Đến đầu năm 1947, số đảng viên dự bị ở xã Ngũ Phúc được công nhận chính thức. Ngày 16/4/1947 Huyện ủy chỉ đạo cho thành lập chi bộ trực thuộc Huyện ủy. Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của xã Ngũ Phúc gồm 4 đảng viên, đồng chí Nguyễn Danh Thả được cử làm Bí thư chi bộ. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương. Từ đây chi bộ Đảng xã Ngũ Phúc trực tiếp nhận Chỉ thị, chủ trương chỉ đạo của Huyện ủy để lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên địa bàn xã. Tháng 5/1947 chi bộ Ngũ Phúc tổ chức kết nạp đợt 2 cho 5 đồng chí là Đào Văn Xô ( Tú Đôi); Đỗ Minh Tông và Tăng Xuân Đạm ( Du Lễ), Nguyễn Công Do ( Xuân Dương), Lã Đắc Trì ( tức Thùy - Xuân Dương). Tháng 7/1948 chi bộ kết nạp đảng viên đợt 3 cho 6 đồng chí là Nguyễn Sĩ Bảo, Đào Văn Thảo, Nguyễn Đình Thẩm, Tăng Xuân Điềm, Đỗ Minh Tông và Phạm Đức Chương.
Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bản chất và truyền thống quý báu của nhân dân Ngũ Phúc đã được phát huy nên một tầm cao mới. Trong kháng chiến chống Pháp bất chấp mọi thủ đoạn kìm kẹp, đàn áp của kẻ thù, lòng dân Ngũ Phúc luôn hướng về Đảng, trụ vững đấu tranh phát triển lực lượng, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chi bộ Đảng và nhân dân Ngũ Phúc đã viết nên trang sử vẻ vang tô thắm truyền thống cách mạng quê hương.
Hòa bình lập lại trên quê hương, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quân và dân Ngũ Phúc cùng nhau đoàn kết viết tiếp những trang sử mới, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyền lớn miền Nam đánh mỹ thống nhất nước nhà.
Đầu năm 1956 xã Ngũ Phúc được tách thành hai xã. Xã kiến Quốc được thành lập gồm hai thôn Tú Đôi và Du Lễ. Xã Ngũ Phúc mới còn lại các thôn Nghi Dương, Xuân Dương và Mai Dương (sau tách thôn Xuân Dương thành 3 thôn, xã lại có 5 thôn).
Thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng đất nước phát triển về kinh tế, văn hóa – xã hội, ổn định về an ninh quốc phòng. Chi bộ xã Ngũ Phúc tiến hành cuộc cải cách ruộng đất và thành lập các hợp tác xã bậc thấp. Phong trào thi đua lao động sản xuất dấy lên mạnh mẽ trong các hợp tác xã, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm hơn; hoạt động văn hóa văn nghệ được diễn ra sôi nổi; công tác an ninh quốc phòng địa phương được quan tâm, củng cố vững chắc. Công tác xây dựng Đảng được chi bộ quan tâm chăm lo thường xuyên, đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, mặt trận đoàn thể, để tăng cường đoàn thể, nhất trí trong Đảng và trong nhân dân.
Trước yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới và sự lớn mạnh của tổ chức Đảng địa phương, ngày 10/3/1963 Huyện ủy đã có Quyết định số 09-QĐ/HU về việc thành lập Đảng bộ xã Ngũ Phúc. Đồng chí Phạm Hữu Thạo được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy xã.
Quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Huyện ủy về tình hình và nhiệm vụ mới, Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, góp phần chi viện cho tiền tuyền lớn đánh Mỹ. Phong trào thanh niên "ba sẵn sàng" và phụ nữ " ba đảm đang" được triển khai tích cực từ năm 1965. Thanh niên sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Phụ nữ đảm việc nước, giỏi việc nhà, gánh vác công việc hậu phương thay cho chồng con lên đường ra trận.
Trải qua các kỳ đại hội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ Ngũ Phúc không ngừng lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về năng lực, trình độ lãnh đạo. Đảng bộ luôn giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình thời chiến.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi vẻ vang, mở ra thời kỳ mới, cả nước độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Ngũ Phúc với ý chí tự lực, tự cường, cần cù thông minh, sáng tạo, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ Ngũ Phúc ngày càng phát triển lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về năng lực, trình độ lãnh đạo, thành lập 10 chi bộ trực thuộc và 323 đảng viên, nhiều năm liền Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, chính quyền và các đoàn thể tiên tiên xuất sắc. Đảng bộ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi nhiệm vụ của địa phương vì vậy phải chăm lo xây dựng Đảng bộ vững mạnh ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ và nhân dân Ngũ Phúc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo, vươn lên giành được nhiều thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng quê Ngũ Phúc được gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ xã trong suốt chặng đường 70 năm qua. Tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương, phát huy thành tích đạt được, kinh nghiệm bài học đã qua. Đảng bộ và nhân dân Ngũ Phúc quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phấn đấu vì mục tiêu " Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".